Sản phẩm rượu tằm của HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong. Ảnh: NGÔ XUÂN
Người dân ở thôn Mỹ Thạnh Tây, xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) gắn bó lâu đời với nghề trồng dâu nuôi tằm. Rượu tằm được sản xuất từ làng nghề truyền thống này đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao.
Hơn 30 năm qua, người dân thôn Mỹ Thạnh Tây giữ nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm để có nhộng chế biến rượu tằm. Soi dâu ven bờ sông Ba mùa mưa bị ngập lụt, nước sông lênh láng, chỉ còn ló mấy đọt dâu. Khi lũ rút, dòng sông cạn dần trả đất lại cho soi dâu. Qua tháng Giêng, cây dâu ra lá non, làng nghề bên bờ sông Ba bắt đầu nhộn nhịp.
Ông Phạm Văn Tiến gắn bó hơn 30 năm với nghề trồng dâu nuôi tằm, cho hay: Trong thời gian chờ cây dâu ra lá non, ai cũng tranh thủ chẻ tre đan nong, bện né (dụng cụ đan bằng tre cho tằm quay tơ). Người dân ở đây nghĩ rằng, bãi bồi bờ sông Ba “mang nặng đẻ đau” soi dâu. Để có lá dâu nuôi tằm, người dân làng nghề chuyên cần chăm sóc soi dâu. Tay chân của bà con ở đây quen với công việc tất bật của nghề trồng dâu nuôi tằm rồi. Chính vì thế, soi dâu “níu” chân nam nữ thanh niên không bỏ làng đi xa làm ăn.
Vốn quý của nghề trồng dâu chế biến rượu tằm là tình làng nghĩa xóm, tạo nét văn hóa đặc trưng riêng không nơi nào có được. Công đoạn nuôi tằm từ bao đời nay vẫn theo cách truyền thống. Đó là sau khi ủ cho trứng nở, người làng nghề ra bờ sông Ba hái lá dâu non cho tằm ăn. Vòng đời nuôi, từ ngày thả trứng đến hơn nửa tháng sau là thành kén. Sau đó, người ta lựa kén bỏ ra né cho tằm quay tơ. Sau khi tằm hóa nhộng thì đem ngâm rượu. Người dân làng nghề vừa có thu nhập từ kén tằm, vừa có thể chế biến rượu tằm.
Ông Đào Văn Roa, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho biết: Làng nghề trồng dâu nuôi tằm ở Hòa Phong có 8,3ha dâu, với 43 hộ tham gia. Hàng năm, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong tổ chức thu mua khoảng 72kg tằm từ những hộ này để sản xuất, bán ra thị trường 1.035 chai rượu tằm và 15kg tằm sấy khô. Cùng với đó, HTX tổ chức thu mua gần 211kg kén cung cấp cho Công ty TNHH Tơ lụa Việt Nam (có hợp đồng mua kén tằm). Đối với công tác tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ rượu tằm thì HTX liên kết với Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa và 10 đại lý trong toàn tỉnh bán rượu tằm.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên, rượu tằm của HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong “bước ra” từ làng nghề truyền thống. Hiện rượu tằm là sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) Phú Yên, đạt chứng nhận 3 sao. “OCOP chính là “báu vật” của từng làng quê. Nó có thể có quy mô không lớn, nhưng độc đáo, thấm đẫm giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, kỹ năng của người làm ra. Và đây chính là yếu tố then chốt để sản phẩm OCOP có lợi thế khi cạnh tranh trên thương trường”, ông Thắng nói.
Nguồn: baophuyen.vn
Thảo luận về bài viết này