1- Phú Yên từ năm 1611 – 1771
Năm 1611, người Chiêm xâm lấn biên cảnh, chúa sai chủ sự là Văn Phong đem quân đánh Chiêm Thành, lấy đất bên kia núi Cù Mông đến Thạch Bi đặt làm phủ Phú Yên gồm hai huyện là Đồng Xuân và Tuy Hòa, cho Văn Phong làm lưu thủ.
Năm 1629, Văn Phong làm nghịch, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cử Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh vào đánh dẹp và mở rộng đất đến Bình Khang (Khánh Hòa ngày nay), được chúa Nguyễn giao phó việc tổ chức đồn lũy và dinh Trấn Biên. Chúa phong ông làm lưu thủ và cho phép dùng dấu ấn son vì có công lớn.
Dinh Trấn Biên là đơn vị hành chính địa phương cao cấp (như cấp tỉnh ngày nay) được đặt ở một vùng đất trấn giữ nơi biên thùy. Dinh Trấn Biên cai quản phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.
Năm 1653, đời chúa Nguyễn Phúc Tần, vua Chiêm Thành là Bà Tấm đưa quân xâm lấn Phú Yên. Chúa sai Cai Cơ Hùng Lộc (không rõ họ) làm thống binh, chúa sai Minh Võ làm tham mưu, đem 3.000 quân đi đánh. Quân chúa Nguyễn vượt đèo Hổ Dương (núi Thạch Bi) đánh thẳng vào thành địch. Bà Tấm bỏ chạy, đại quân chúa Nguyễn tiến đến sông Phan Rang, Bà Tấm sai con là Xác Bà mang thư xin hàng, chúa y cho, chúa Nguyễn lấy đất mới thu được đặt làm Dinh Thái Khang (sau đổi thành Bình Khương, tức là Ninh Hòa ngày nay) và Diên Minh (tức là Diên Khánh ngày nay) và kể từ đây vai trò Trấn Biên của Phú Yên xem như đã chấm dứt.
Năm 1726, chúa sai Ký Lục là Nguyễn Đăng Đệ đi tuần xét các phủ xứ Quảng Nam, định rõ chức lệ cho các thuộc mới lập vì: “Buổi quốc sơ mới mở mang bờ cõi, dựng lập phủ huyện, hễ những nơi gần núi ven biển thì lập thành thuộc. Theo đó phủ Thăng Hoa 15 thuộc, phủ Quy Ninh 13 thuộc, phủ Phú Yên 38 thuộc, phủ Bình Khang 28 thuộc, phủ Diên Minh 14 thuộc, phủ Bình Thuận 20 thuộc, các thuộc đều lấy thôn, phường, nậu, man lẻ tẻ hợp lại, song chưa có lệ đặt các chức dịch.
Tháng 4-1758, chúa sai Nguyễn Khoa Trực làm trấn thủ phủ Phú Yên, đốc thu các thứ thuế thường tân và sai dư (loại thuế thân) vì theo lời chúa Nguyễn “Buổi quốc sơ Phú Yên là đất mới khai thác nay đã đặt quan cai trị nhưng mà thuế má vẫn còn rộng rãi, đơn giản. Sai dư chính hộ và khách hộ hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa cũng như các phủ, còn các tiền cước mỡ (tiền gạo nước), thường tân (tiền cơm mới), tiết liệu (tiền lễ tết) thì ít hơn so với phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Đến khi các phủ Bình Khang, Diên Khánh, Bình Thuận, Gia Định dần dần mở mang, thì lệ thuế cũng như tỉnh Phú Yên. Điều đó cho thấy nhà Nguyễn dùng thuế như là một chính sách để thu hút các nguồn lực, đẩy nhanh cuộc khẩn hoang, nhằm xác lập một cách vững chắc chủ quyền trên vùng đất mới.
2- Phú Yên thời Tây Sơn (1771 – 1802)
Năm 1771, anh em Tây Sơn bắt đầu khởi nghiệp binh tại Tây Sơn Thượng và Tây Sơn Hạ. Sau khi tập hợp được lực lượng và huấn luyện quân sĩ chu đáo, tháng 8-1773, quân Tây Sơn đánh hạ thành Quy Nhơn. Trên đà thắng lợi, quân Tây Sơn tiến chiếm các phủ Quảng Nam, Diên Khánh, Bình Khang, Bình Thuận… trong đó có Phú Yên.
Tháng 5-1775, tướng nhà Nguyễn đem quân đánh Phú Yên. Trước thế bất lợi của quân Tây Sơn lúc bấy giờ, Nguyễn Nhạc tìm cách hòa hoãn với tướng Chúa Trịnh, mặt khác Nguyễn Nhạc đem cất dấu châu báu trên núi và rút quân về Quy Nhơn xây thành, củng cố lực lượng, đối phó với quân Chúa Nguyễn ở phía Nam.
Năm 1775, kỵ binh do Nguyễn Quang Sáng, Lương Văn Trực cùng chúa Thủy Xá là Ma Khương tụ quân tại núi La Hiên, đã phối hợp với lực lượng thủy quân của Lưu Quốc Hùng, Trần Văn Nhâm hợp thành lực lượng Tây Sơn hữu đạo, cùng 2.000 quân do Nguyễn Huệ chỉ huy từ Quy Nhơn đánh úp quân Tống Phước Hiệp đang đóng tại Phú Yên.
Được tin Tống Phước Hiệp đại bại ở Phú Yên, chúa Nguyễn điều động các tướng về cứu nguy nhưng đều thất bại. Lúc bấy giờ, Chu Văn Tiếp đang đóng quân ở Quy Nhơn chạy vào huyện Đồng Xuân chiếm lấy vùng Chà Rang (Trà Rang) thuộc thôn Phú Phong, xã An Hiệp, đặt làm đại bản doanh và bộ chỉ huy với mưu đồ giúp nhà Nguyễn đánh Tây Sơn, qua nhiều đợt xuất quân, song đều thất bại. Đến năm 1782, được tin thành Gia Định thất thủ, Chu Văn Tiếp rời bỏ Phú Yên đưa quân vào Nam, hợp cùng các đạo quân khác của chúa Nguyễn đánh Tây Sơn, lấy lại Gia Định, từ đó đất Phú Yên mới hoàn toàn thuộc về Tây Sơn.
Năm 1793, đưa quân ra đánh thành Quy Nhơn, bằng hai đường thủy và đường bộ. Chúa Nguyễn đi đường thủy, Tôn Thất Hội đi đường bộ qua các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa và đánh vào Phú Yên, tham đốc Tây Sơn là Phạm Văn Điền thua chạy, chúa Nguyễn đặt quan chức tại Phú Yên, lấy phó tướng thủy binh Nguyễn Văn Nhâm làm lưu thủ.
Năm 1794 – 1800 cuộc chiến giữa nhà Tây Sơn với chúa Nguyễn trên mảnh đất Phú Yên diễn ra trong sự phân tranh khá quyết liệt có lúc thắng, lúc thua, lúc được, lúc mất. Mãi đến năm 1801, vùng đất Phú Yên hoàn toàn trở thành đất chúa Nguyễn và đặt làm doanh Phú Yên, đặt công đường và quan cai trị, cũng năm 1801, chúa Nguyễn bỏ việc thu sưu ruộng ở Phú Yên, nhằm thu phục lòng dân ở vùng đất mới chiếm được.
3- Phú Yên từ năm 1802-1885
Năm 1858, thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên tại cửa Đà Nẵng, bắt đầu cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam. Tình hình chính trị, xã hội của miền Trung nói chung và Phú Yên nói riêng đã chuyển biến mau lẹ qua một thời kỳ khác; thời kỳ chống chủ nghĩa thực dân xâm lược.
4- Phong trào đấu tranh cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
a- Phong trào Cần Vương:
Ngày 13-7-1885, vua Hàm Nghi ra Chiếu Cần Vương, kêu gọi thần dân trong cả nước nổi dậy chống thực dân Pháp xâm lược.
Hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, sau một tháng chuẩn bị. Ngày 13-8-1885 Lê Thành Phương cùng các sĩ phu kéo cờ khởi nghĩa tại núi Một, thôn Tân An, tổng Xuân Vinh, phủ Tuy An.
Dưới lá cờ tụ nghĩa, ông được các nghĩa sĩ tôn làm thống soái, tướng sĩ cùng nhau cắt máu ăn thề. Ông phiên chế nghĩa quân thành phiên đội, cắt đặt chỉ huy. Thống soái Lê Thành Phương đóng cơ quan chỉ huy tối cao tại núi Chóp Vung phía tây làng Phong Phú và giao cho con trai là Lê Thành Bính giữ chức Hữu tham quân, đóng đồn tại Long Cấm, Phó soái Bùi Giảng chỉ huy toàn bộ phân khu Bắc (từ đèo Cù Mông đến Tam Giang) đóng đại đồn tại núi Hòn Đôn (Định Trung). Tham tán quân vụ Nguyễn Hào Sự đóng đại binh tại tổng binh, dựa vào dãy núi La Hiên, Võ Thiệp đóng quân tại đồn Bình Tây, Nguyễn Sách đóng quân tại đồn Vân Hòa. Từ đèo Cả đến đèo Cù Mông, từ miền biển đến miền núi nghĩa quân chia nhau đóng nhiều vị trí để tạo thế nương tựa lẫn nhau.
Gần hai năm khởi nghĩa của Lê Thành Phương nhưng không thể đánh thắng quân Pháp với vũ khí hiện đại và đội quân tinh nhuệ lúc bấy giờ. Ngày 13 tháng 2 năm 1887 ông bị bắt, chúng giam ông tại Hàng Dao (nay thuộc thôn Hội Tín, xã An Thạch) cho ăn uống tử tế và dùng lời lẽ ngon ngọt dụ dỗ. Ông khẳng khái nói thẳng với tên Việt gian Trần Bá Lộc câu nói bất hủ của người xưa: “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục”. Sau nhiều ngày dụ dỗ không thành, ngày 20-2-1887 (tức ngày 28 tháng giêng, năm Đinh Hợi), tại bến đò Cây Dừa, thuộc phường Lụa, phủ Tuy An, người anh hùng ái quốc Lê Thành Phương đã anh dũng hy sinh dưới lưỡi gươm của quân thù, lúc ấy ông 62 tuổi.
b- Cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ và Trần Cao Vân:
Sau khi cuộc khởi nghĩa do Lê Thành Phương khởi xướng và lãnh đạo bị thất bại, phong trào chống Pháp của nhân dân Phú Yên bùng lên vào năm 1892 với cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ và Trần Cao Vân.
Võ Trứ (không rõ năm sinh) quê ở làng Nhơn Ân, tổng Kỳ Sơn, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định, sau di cư vào La Hai, thuộc huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, trong một gia đình nông dân, nhưng có học chữ Hán và giàu lòng yêu nước. Lúc bấy giờ Pháp đã đặt xong nền móng thống trị trên đất nước ta, nhưng ông vẫn nuôi hy vọng đánh đuổi quân Pháp, giải phóng đất nước.
Ông cùng Trần Cao Vân nuôi hy vọng tập hợp lực lượng để đánh Pháp. Vào một đêm năm 1898, dưới lá cờ đề bốn chữ “Minh Trai chủ tế”, Võ Trứ ngồi trên lưng ngựa chỉ huy một đạo quân từ khu rừng thuộc huyện Đồng Xuân kéo xuống tỉnh lỵ Phú Yên ở Sông Cầu, với vũ khí là giáo, mác, rựa và bùa hộ mệnh. Kế hoạch trước hết là vây trại lính tập, đoạt lấy súng đạn, chuyển chủ lực của họ về cho dân binh, tiếp đến là chiếm các dinh sở của chính phủ bảo hộ và nam triều. Dọc đường dân chúng gia nhập mỗi lúc một đông, nhưng cuộc tiến quân bị thất bại do trước đó sự chuẩn bị đã lọt vào mắt của bọn mật thám nên quân Pháp đã chặn đường hành quân vây đánh quân của Võ Trứ gần dốc Quýt (cách Sông Cầu 4km).
Mấy ngày sau, quân Pháp tập trung quân đi đốt nhà, bắn giết một cách dã man đồng bào các xã gần khu căn cứ. Trước cảnh dân tình bị chết và mất mát nhà cửa, Võ Trứ quyết định tự nộp mình cho giặc. Quân xâm lược yêu cầu ông cùng nhân dân cả phong trào đầu hàng và hợp tác với chúng, ông không chịu, chúng đã chém và treo đầu ông ở cầu Tam Giang. Chính Pháp cũng kiêng nể gọi ông là “vua người Thượng”. Cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ, người Pháp gọi là “giặc rựa” hay “giặc thầy chùa”.
c- Phong trào chống xâu thuế ở Phú Yên năm 1908 và phong trào Săm Brăm những năm 30 của thế kỷ XX.
Ở Trung kỳ cuộc vận động “xin xâu” còn gọi là phong trào Duy Tân, bắt đầu từ Quảng Nam (tháng 3-1908) rồi lan dần đến các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…
Ở Phú Yên, dưới sự lãnh đạo của các ông Nguyễn Hữu Dục và Lê Hanh phong trào chống sưu cao thuế nặng, chống cường hào, chống đồi phong bại tục, cổ động dùng hàng nội hóa, mở trường dạy học chữ quốc ngữ bùng lên mạnh mẽ. Những đoàn biểu tình có lúc lên tới gần 2000 người kéo đến các phủ Tuy Hòa, Tuy An rồi ra đến tỉnh lỵ Sông Cầu đã làm cho quan lại và quân Pháp bối rối.
Vào những năm 30 của thế kỷ XX, khắp vùng núi rừng Trường Sơn đã dấy lên phong trào chống thực dân Pháp với quy mô lớn, bao gồm nhiều tộc người và nhiều tỉnh tham gia mà Phú Yên là trung tâm. Trong nhiều tài liệu gọi là phong trào Săm Brăm, cũng có tài liệu gọi là phong trào “Xu đỏ”, hoặc phong trào “Lấy nước phép đánh Tây”.
Săm Brăm vốn là người có uy tín, lại hiểu nhiều về phong tục tập quán, nên được dân làng suy tôn làm người đứng đầu làng, sau đó là cả vùng. Tinh thần yêu nước chống Pháp của ông cũng được mọi người kính nể.
Sau những năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản phong trào yêu nước lại nổ ra mạnh mẽ và dồn dập khắp mọi nơi. Thực dân Pháp một mặt tăng cường khủng bố, mặt khác chúng ra sức bóc lột vơ vét của cải, tài nguyên. Ở miền núi Phú Yên, chúng bắt đầu làm đường số 7 (nay là quốc lộ 25) từ Tuy Hòa đi Cheo Reo, mở đồn điền tại Vân Hòa, bắt nhân dân phải nộp sưu, đi phu, làm xâu liên miên. Cạnh đó Pháp còn lập thêm nhiều đồn bót, trại giam và nhà tù. Tại trại giam Trà Kê gần quê hương Săm Brăm, địch bắt giam nhiều nhà cách mạng và cũng tại đó đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh. Săm Brăm được phong trào cổ vũ và thôi thúc, được các chiến sĩ tại trại giam Trà Kê động viên nên ông hăng hái hoạt động, đứng ra khởi xướng phong trào đấu tranh chống Pháp trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Thực dân Pháp thấy sự lớn mạnh của phong trào đã tìm mọi cách đối phó và đàn áp khủng bố. Đến cuối năm 1936 quân Pháp đã bắt ông giam ở đồn Trà Kê, rồi sau đày lên Buôn Ma Thuột, sau đó đưa ông ra giam tại Sông Cầu và cuối cùng đưa ra tận trại giam Thanh Hóa.
5- Các tổ chức yêu nước và Cộng sản trước năm 1930 và phong trào cách mạng Phú Yên từ năm 1930 – 1945
a- Hội Việt Nam cách mạng thanh niên
So với một số tỉnh ở miền Bắc, hoạt động của chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Phú Yên không mạnh và không đều ở khắp các huyện. Song đối với khu vực Nam Trung bộ thì Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Phú Yên hoạt động khá tốt.
Do phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh của học sinh ở Huế và Qui Nhơn, một số học sinh ở Phú Yên đã bị đuổi học trả về quê hương. Dưới tác động của đường lối cứu nước; những thanh niên này khi về địa phương một mặt truyền tay nhau đọc các loại sách báo tiến bộ như Nhành Lúa, Tiếng Dân, Tiếng Chuông Rè…, mặt khác tuyên truyền tư tưởng yêu nước, bàn biện pháp tập hợp lực lượng, hưởng ứng đường lối đấu tranh của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
Tháng 6 năm 1928, chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên chính thức ra đời hoạt động tại Sông Cầu. Năm 1929 do một số đồng chí trong hội chuyển đi nơi khác nên chi bộ hội ở Sông Cầu không còn nữa.
Mùa hè năm 1929, thành lập chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Tuy Hòa. Hoạt động dưới hình thức hợp pháp là các Hưng Nghiệp hội xã, tập trung tuyên truyền tôn chỉ mục đích, phát triển hội viên. Giữa năm 1929, cơ sở Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Trị bị vỡ. Qua sự kiện này, địch phát hiện được các hoạt động của Hội ở Phú Yên. Nên cuối năm 1929 Hưng Nghiệp hội xã ở Tuy Hòa bị niêm phong, những người lãnh đạo Hội như: Phan Thanh, Trần Chương bị địch bắt, tổ chức hội lại tan rã.
b- Tân Việt cách mạng Đảng:
Cuối năm 1927, thầy giáo Phạm Đức Bân cùng các thầy giáo Bùi Dung, Trịnh Bá Đài và một số thanh niên học sinh vận động, xây dựng tổ chức Tân Việt tại Sông Cầu. Tài liệu tuyên truyền lúc này là các quyển sách nhỏ của nhà xuất bản Quan hải tùng thư, báo Trần Chung (Chuông thần), Tiếng Dân và những bài văn thơ yêu nước của cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, báo An Nam. Tổ chức Tân Việt là ngọn cờ cách mạng của Phú Yên lúc bấy giờ.
c- Thành lập chi bộ Đảng Cộng sản:
Ngày 3 tháng 2 năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức được thành lập.
Cuối năm 1929, đồng chí Phan Lưu Thanh, thành viên trong Hưng Nghiệp hội xã ở La Hai vào Sài Gòn học lái xe ôtô ở trường cơ khí Chu Văn Hai. Tại đây ông được các đảng viên Cộng sản (công nhân đóng tàu xưởng Ba Son) tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Sau đó ông được giao nhiệm vụ về Phú Yên gây cơ sở và tổ chức các hoạt động nhằm kêu gọi thợ thuyền, dân cày, binh lính nổi dậy chống bất công, cải thiện cuộc sống, đoàn kết với vô sản thế giới chống đế quốc và phong kiến. Qua những hoạt động và thử thách thực tế, tháng 8-1930 Phan Lưu Thanh được kết nạp vào Đảng Cộng sản tại chi bộ Thị Nghè (Sài Gòn)… rồi được cử về La Hai (Phú Yên). Tại đây qua liên lạc, móc nối, ông đã tập hợp được một số thanh niên tiến bộ, kết nạp họ vào Đảng Cộng sản. Trên cơ sở đó, ngày 5-10-1930, tại thôn Đồng Bé, xã Xuân Long (Đồng Xuân), đồng chí Phan Lưu Thanh đã tổ chức Hội nghị đảng viên, tuyên bố thành lập chi bộ Đảng Cộng sản tại Phú Yên. Tiếp theo việc thành lập của chi bộ Đảng tại Đồng Bé – La Hai, nhiều chi bộ Đảng khác cũng được thành lập ở huyện Đồng Xuân và Tuy An.
d- Phú Yên từ Cách mạng Tháng 8-1945 và 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 –1954):
Ngày 26-6-1940, chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức. Ngày 9-3-1940 thực dân Pháp ở Đông Dương đầu hàng phát xít Nhật.
Ngày 8-2-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Tổ chức thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, khi có thời cơ thì khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc. Ở Phú Yên, tháng 6-1945 thành lập Tỉnh ủy lâm thời và ngày 17-7-1945 thành lập tổ chức Việt Minh tỉnh để chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
Tháng 8-1945 cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 bước vào giai đoạn kết thúc, ngày 15-8-1945 Nhật Hoàng đầu hàng đồng minh không điều kiện, phong trào nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong nước và ở tỉnh Phú Yên rất sôi nổi. Ngày 23-8-1945 Tỉnh ủy lâm thời và Việt Minh nhận được lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy, đêm 23-8-1945 Ủy ban khởi nghĩa tỉnh phát lệnh khởi nghĩa và đến ngày 26-8-1945 hoàn thành khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh, thành lập chính quyền cách mạng.
Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một mặt xây dựng chính quyền, mặt khác phát động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống và phát động phong trào toàn dân đánh giặc chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Từ những năm 1953 – 1954 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong cả nước đã lên đến đỉnh điểm quyết định giành thắng lợi. Ở Phú Yên dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, quân dân Phú Yên cùng với quân và dân Liên khu V đánh bại cuộc hành quân Át-Lăng, phối hợp cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7-5-1954.
e- Phú Yên cuộc kháng chiến chống Mỹ – thống nhất Tổ quốc (1954 – 1975):
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp đã mở ra một giai đoạn phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đuổi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, đấu tranh thống nhất đất nước.
Qua 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước, quân và dân Phú Yên dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã làm nên những chiến công vang dội góp phần cùng cả nước kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 (30-4-1975).
Phong trào Đồng khởi 1959 – 1960 mà tiêu biểu là phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh 22-12-1960.
Đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Nổi bật là phá “Ấp chiến lược” của đế quốc Mỹ (1964 – 1965).
Đánh thắng chiến lược chiến tranh cục bộ. Tiêu biểu là đánh bại cuộc phản công lần thứ nhất 1966 với cuộc hành quân “Van-bua-rem” và cuộc hành quân lần thứ hai năm 1967.
Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc và phải ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Paris. Thất bại trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968, đế quốc Mỹ buộc phải “phi Mỹ hóa”, thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Tiêu biểu là đánh thắng cuộc rút quân co cụm chiến lược của địch từ Tây Nguyên xuống đồng bằng trên đường số 5, chỉ trong vòng 5 ngày (từ 19 đến 25-3-1975) đã làm chủ hoàn toàn đoạn đường số 5, kết thúc số phận rút lui chiến lược của địch, chiến thắng đường số 5 được ghi vào lịch sử như một chiến công hiển hách nhất của quân dân Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với khí thế thừa thắng xông lên đúng 5 giờ sáng ngày 1-4-1975 trận tiến công quyết định giải phóng thị xã Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên bắt đầu và đến 11 giờ ngày 1-4-1975 quân và dân Phú Yên đã làm tan rã toàn bộ lực lượng địch giải phóng thị xã Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên.
f- Phú Yên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc:
Sau ngày quê hương giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Từng bước củng cố xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Phú Yên đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh trên mọi lĩnh vực. Nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng ngày càng cao theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện rõ rệt, nhất là có sự quan tâm đúng mức đến các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống tổ chức chính trị ở các cấp ngành, đoàn thể đi vào hoạt động có hiệu quả và ngày càng vững mạnh, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền các cấp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tinh thần đại đoàn kết toàn dân không ngừng được củng cố. Nền Quốc phòng toàn dân và An ninh nhân dân ngày càng vững mạnh theo hướng chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Văn hóa, giáo dục, y tế không ngừng được đầu tư và phát triển. Nhiều phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội hóa giáo dục… ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ và thực hiện có hiệu quả góp phần đẩy mạnh phát triển nền kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh nhà.
(Theo Báo Phú Yên)
Thảo luận về bài viết này