Sáng ngày 01/4, tại Nhà văn hóa Diên Hồng, tỉnh Phú Yên đã tổ chức Lễ kỷ niệm 410 năm Phú Yên hình thành và phát triển (1611 – 2021); Kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng tỉnh Phú Yên (01/4/1975- 01/4/2021) và đón Bằng di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Gành Đá Đĩa.
Trong diễn văn kỷ niệm 410 năm Phú Yên hình thành, phát triển và 46 năm giải phóng Phú Yên, Ông Phạm Đại Dương, UVBCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh đến khí phách kiên cường bất khuất của con người Phú Yên như câu nói “Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục” – “Thà chết chứ không chịu sống nhục” của chí sĩ Lê Thành Phương trong phong trào Cần Vương trước khi lên đoạn đầu đài.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Phú Yên luôn anh dũng đứng lên cùng với nhân dân cả nước đấu tranh kiên cường bất khuất, quyết giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước. Nhiều cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra, nhiều phong trào cứu quốc đã ra đời, nhiều người con ưu tú đã hy sinh oanh liệt.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm
“Chúng ta mãi mãi biết ơn bao người mẹ, người chị vừa chiến đấu gan góc với kẻ thù, bằng tay không vẫn dũng cảm chặn xe tăng giặc, vừa lặng lẽ gạt nước mắt đưa tiễn hết chồng, rồi đến con ra đi chiến đấu mà không hẹn được ngày về” – ông Phạm Đại Dương nói.
Cũng tại buổi lễ, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa cho tỉnh Phú Yên. Thắng cảnh Gành Đá Đĩa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên – một danh thắng thiên nhiên độc đáo và được xem là “độc nhất vô nhị” ở nước ta.
Đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Gành Đá Đĩa cho tỉnh Phú Yên
Gành Đá Đĩa với chiều rộng khoảng 50m và trải dài hơn 200m, là một thắng cảnh thiên tạo hiếm thấy. Đá ở đây dựng đứng theo từng cột, liền khít nhau, có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn, giống như những cái đĩa xếp chồng lên nhau nên mới có tên gọi là gành Đá Đĩa.
Theo kết quả nghiên cứu địa chất, đá ở gành Đá Đĩa là loại đá bazan được hình thành do hoạt động phun trào của núi lửa cách nay hàng triệu năm. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa trôi ra biển, sau đó gặp nước biển lạnh nên bất ngờ bị đông cứng lại, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lực. Chính sự ứng lực này đã gây nên sự rạn nứt toàn bộ khối nham thạch theo mạch dọc, xiên, ngang thành những cột đá đứng liền khít nhau nữa chìm dưới nước nữa nổi trên bờ và tạo nên một gành Đá Đĩa có một không hai của Việt Nam.
Gành Đá Đĩa nằm trong một quần thể tự nhiên vô cùng lý tưởng. Phía Đông là Vịnh Xuân Đài được xem là một trong những vịnh đẹp của Việt Nam. Phía Nam là bãi biển dài khoảng 3km với dải cát trắng mịn, sạch và nước biển luôn trong xanh, là điều kiện tốt để hình thành một khu nghỉ dưỡng biển cũng như các hoạt động thể thao trên nước. Phía Bắc là ngọn hải đăng đứng sừng sừng trên đỉnh cao của gành Đèn, làm nhiệm vụ soi sáng cho tàu truyền ra vào Vịnh Xuân Đài. Phía Tây là xóm làng trù phú với những di sản văn hóa đá nổi tiếng khắp vùng như giếng đá, chuồng gia súc đá, tường rào đá, mộ đá… Phong cảnh nơi đây còn nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ và môi trường thuần khiết. Gành Đá Đĩa chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng và những trải nghiệm khó quên cho du khách khi đến tham quan.
Gành Đá Đĩa được Bộ Văn hoá và Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích thắng cảnh cấp Quốc gia vào ngày 23/01/1997. Năm 2014 được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là Top 20 điểm đến được du khách yêu thích nhất khi đến Việt Nam.
Nhật Minh – TTTTXTDL
Thảo luận về bài viết này