Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) và hưởng ứng lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp Công ty TNHH Du hành Đại Hữu (Phú Yên) tổ chức triển lãm giao lưu tại Trung tâm Thông tin di sản phố cổ Hà Nội (28 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Tại triển lãm, các sản phẩm của hai dòng gốm truyền thống Bát Tràng và Trường Thịnh được nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn – người tiên phong trong dòng gốm “Be chạch” Bát Tràng (Hà Nội) và nghệ nhân Trần Thị Chiên – làng gốm Trường Thịnh (phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa) giới thiệu, trình diễn cách làm với du khách trong nước và quốc tế.
Ông Đàm Đại Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Du hành Đại Hữu, đơn vị kết nối tổ chức triển lãm này cho biết, làng gốm Trường Thịnh được hình thành khá lâu đời, chủ yếu làm các đồ dùng, vật phẩm gia dụng. Những năm gần đây, nghệ nhân Trần Thị Chiên phát triển sang sản phẩm mỹ nghệ, được du khách rất ấn tượng, nhất là các vật phẩm về văn hóa Champa.
“Triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa của quê nhà, góp phần đưa hình ảnh quê hương, con người Phú Yên đến với du khách trong nước và quốc tế”, ông Hữu nói.
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (thứ 4 từ trái sang) cùng lãnh đạo sở, ngành tham quan và chụp hình lưu niệm tại không gian triển lãm phố cổ Hà Nội |
Nghệ nhân Trần Thị Chiên (gốm Trường Thịnh) và nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn (gốm Bát Tràng) được ban tổ chức tôn vinh tại không gian triển lãm |
Khách xem triển lãm trải nghiệm kỹ thuật chế tác gốm mỹ nghệ Trường Thịnh |
Nghệ nhân Trần Thị Chiên ở làng gốm Trường Thịnh trình diễn kỹ thuật làm gốm thủ công |
Sản phẩm gốm mỹ nghệ Tháp Nhạn Phú Yên – hình mẫu di tích quốc gia đặc biệt – được du khách người Nhật (phải) trân trọng |
Sau khi xem triển lãm gốm, du khách tìm hiểu du lịch Phú Yên trực tuyến qua “cây ATM du lịch” |
TRẦN QUỚI – ĐÀM HỮU (thực hiện)
Thảo luận về bài viết này