Thúng chai được sử dụng để đánh bắt hải sản gần bờ như câu mực, lặn sò, kéo lưới hoặc dùng để đua tranh trong các cuộc thi, lễ hội cầu ngư hàng năm. Không chỉ phục vụ ngư dân trong tỉnh, làng nghề thúng chai Phú Mỹ còn cung cấp sản phẩm cho các thị trường khác trong nước ở các tỉnh ven biển từ Quảng Ngãi đến Tiền Giang. Nhờ giá rẻ, chất lượng vượt trội nên sức tiêu thụ của sản phẩm thúng chai Phú Mỹ rất tốt, làng nghề đôi khi làm không kịp cung ứng cho thị trường. Nhiều năm qua, thúng chai Phú Mỹ còn xuất khẩu đi các nước trên thế giới như: Thái Lan, Thụy Sĩ.
Loại tre nguyên liệu sử dụng để đan thúng chai phải chịu nước tốt và có độ dẻo cao.
|
Trước tiên, người thợ chọn những cây tre đạt yêu cầu có độ tuổi 1-1,5 năm tuổi, không non cũng không già thì thúng mới bền chắc. Tre phải được vót một cách tỉ mỉ, trước khi đem phơi 4-5 nắng. Sau đó chuyển qua cho thợ đan mê, lận vành rồi phơi khô, tiếp tục với công đoạn trét phân bò, rồi mới đến việc trét dầu rái, đem phơi cho đến khi đạt yêu cầu là hoàn thiện.
Ở công đoạn lận vành đòi hỏi người thợ phải sử dụng kỹ thuật hầm đất, tức là đào một hầm dưới đát rồi lấy đó làm khuôn. Nhờ vậy, thúng chai mới tròn đều, tạo sự cân bằng để dễ di chuyển trên biển khi sử dụng. Lận vành cũng là công đoạn tốn sức và cần nhiều kinh nghiệm, do vậy thợ trên 18 tuổi mới được đảm trách được công đoạn này.
Trong các công đoạn làm thúng chai thì trét dầu rái được coi là công đoạn quan trọng nhất, vì nó quyết định sự thành bại của sản phẩm, giúp nâng tuổi thọ của một chiếc thúng chai lên đến 12-15 năm. Dầu rái là hỗn hợp từ bột cây chai trộn với dầu hỏa (đây chính là nguồn gốc tên gọi của “thúng chai”), được trét lên thúng chai để bảo vệ và chống thấm (trong quét 3 lớp, ngoài 2 lớp).
Một chiếc thúng chai thành phẩm, đạt chất lượng để xuất ra thị trường từ lúc đan mê đến khi hoàn tất phải mất thời gian khoảng 8-10 ngày (tính cả thời gian phơi thúng). Nhờ nguồn nguyên liệu có sẵn, nên giá sản phẩm thúng chai Phú Mỹ thường thấp hơn các địa phương khác, mỗi chiếc dao động từ 1,5-3 triệu đồng tùy theo kích cỡ và số nan.
Để làng nghề truyền thống đan thúng chai Phú Mỹ tiếp tục duy trì và phát triển, mang lại nguồn thu nhập cho người dân, xã An Dân đã vận động bà con thành lập nhóm, tổ hợp sản xuất để đẩy nhanh việc thành lập thương hiệu sản phẩm và có chính sách hỗ trợ bà con làm nghề mở rộng, phát triển sản xuất. Sắp tới, chính quyền địa phương còn phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh Phú Yên đầu tư một số trang thiết bị cho làng nghề để giảm bớt các công đoạn thủ công, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho sản phẩm thúng chai Phú Mỹ./.
Thảo luận về bài viết này