Chùa Bảo Lâm dưới chân núi Chóp Chài là một lâm viên tâm linh có phong cảnh đẹp, một không gian tĩnh lặng cách trung tâm TP Tuy Hòa khoảng 4km về phía Bắc theo đại lộ Nguyễn Tất Thành, nên rất thuận lợi cho việc thăm viếng.
Chùa Bảo Lâm dưới chân núi Chóp Chài là một lâm viên tâm linh xinh đẹp, một không gian tĩnh lặng cách trung tâm TP Tuy Hòa khoảng 4km về phía Bắc theo đại lộ Nguyễn Tất Thành, nên rất thuận lợi cho việc thăm viếng. Ảnh: MINH CHÂU
Nơi đất thiêng
Núi Chóp Chài được ví như hòn non bộ khổng lồ che chắn nắng, gió tây bắc cho TP Tuy Hòa, núi cao 391m so với mặt nước biển, núi trầm mặc trong sương sớm, nhưng lại sừng sững hiên ngang trong nắng mưa. Người dân địa phương còn gọi là núi Nựu Sơn hay núi Cụ Rùa, mỗi tên gọi khác nhau gắn liền với những huyền thoại thực thực, hư hư đầy hấp dẫn và giàu lòng nhân ái.
Núi Chóp Chài là biểu trưng của đất Tuy Hòa, là niềm tự hào của mỗi người khi đi xa trở về nhìn thấy núi, là nỗi nhớ khi đi cách núi xa quê. Có dịp leo lên đỉnh núi, các bạn với được mây bay, ngắm biển Đông như dát bạc trong nắng sớm, ruộng đồng, làng mạc Tuy Hòa man mác thẳng cánh cò bay, TP Tuy Hòa như bức tranh đa sắc màu đang lớn lên từng ngày.
Dưới chân núi Chóp Chài có 4 ngôi chùa là: Bảo Lâm, Khánh Sơn, Hòa Sơn và chùa Minh Sơn (chùa Hang); xung quanh chân núi là thôn làng trù phú với những giếng đá, tường rào xếp khan bằng đá rêu phong, những rặng tre ngà vàng óng… Chùa Bảo Lâm tọa lạc ở sườn núi phía Đông thuộc thôn Liên Trì 1, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa.
Chùa được xây dựng trên khu đất rộng hơn 5ha, về phong thủy là nơi đắc địa, tụ khí, tụ thủy. Chùa tựa lưng vào núi, hai bên là triền núi cao thoải dần rồi tụ lại, như ta ngồi trên một sa lông có nơi tựa gác hai tay, phía trước chùa là đại lộ Nguyễn Tất Thành. Trong khuôn viên chùa có con suối nhỏ róc rách chảy qua, có giếng đá xếp khan ở lưng chừng núi, quanh năm có nước. Chùa cũng được núi Chóp Chài che nắng gió tây bắc, đón gió đông nam nên ấm vào mùa đông, mát về mùa hè, nhiệt độ trong khuôn viên chùa chênh với bên ngoài từ 1-20C; với thế đất “Sau trồng đỗ/ Trước cấy chiêm/ Hai bên tay liềm co lại”, là niềm hạnh phúc trời ban.
Chùa làng, cảnh bụt
Chùa Bảo Lâm do tổ sư phái Lâm Tế đời thứ 38 Húy đạo Trung Hậu hiệu là Linh Phong sáng lập vào thời vua Minh Mạng (1820-1841). Ban đầu chùa được xây dựng bên Bàu Sen có tên là chùa Bửu Liên (loài hoa sen quý). Qua nhiều biến cố, đến năm 1974, chùa được dời lên vị trí hiện nay, cách chùa cũ khoảng 500m và đổi tên là chùa Bảo Lâm, với ý nghĩa bảo vệ núi rừng.
Năm 1996, tại chùa Bảo Lâm, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Phú Yên thành lập Trường Cơ bản Phật Học, nay là Trường trung cấp Phật Học Liễu Quán Phú Yên. Mỗi khóa trường đào tạo từ 25-30 tăng ni sinh, thời gian là 4 năm. Nơi đây không chỉ là chốn tu hành mà còn là ngôi trường gắn với kỷ niệm tuổi thơ của mỗi tăng ni sinh khi lớn lên, đi học cao và thành đạt.
Năm 1999, chùa được xây dựng tượng Thích Ca Phật Đài cao 18m; năm 2004 xây dựng tháp chuông cao 12m và đúc đại hồng chung nặng 1.500kg; năm 2006 đại trùng tu chánh điện có diện tích 240m2 cao 17m; ở giữa chánh điện thờ Phật Thích Ca, hai bên thờ Quan Âm Địa Tạng. Phía sau chánh điện là nhà tổ, thờ Tổ Sư Liễu Quán (1667-1742). Tổ sư Liễu Quán là người con đất Phú, sinh ra ở xã An Thạch, huyện Tuy An, là thiền sư nổi tiếng ở Việt Nam, thuộc phái Lâm Tế chánh tông đời thứ 35. Năm 2010, chùa tiếp tục xây dựng cổng tam quan, điện A Di Đà; đường đi, lối lên xuống, sân vườn, trồng cây xanh… Ông Nguyễn Tấn Khanh là người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này nhận xét: Trước ngày tái lập tỉnh (1989), nơi đây là vùng đất khô cằn, chỉ trồng khoai, trồng sắn. Từ khi chùa Bảo Lâm tạo dựng tượng Thích Ca Phật Đài đến nay, kinh tế vùng này phát triển, xóm làng đông vui…, đặc biệt là con em học hành tiến bộ, có nhiều cháu đỗ đạt cao, người dân rất tự hào về điều này.
Đặc biệt nơi đây có hoa viên Lâm Tỳ Ni, mô phỏng nơi Hoàng Hậu MaDa đã sinh ra Đức Phật, nơi Đức Phật thiền định 49 ngày dưới cội bồ đề và giác ngộ ra giáo lý nhà Phật. Bên cạnh còn có Lâm viên thập bát La Hán, đây là một chủ đề phổ biến trong nghệ thuật Phật giáo, có ảnh hưởng lớn đến đời sống con người.
Về tổng thể không san ủi, giữ nguyên hiện trạng núi rừng, tạo lập những con đường bậc thang theo địa hình; các công trình xây dựng tại đây có quy mô nhỏ, vừa phải, với ý tưởng cây trong cảnh, cảnh trong rừng; khéo léo khai thác các yếu tố như tầm nhìn, hướng gió, triền dốc, thế đá… làm cho các công trình, tiểu cảnh thành một thể thống nhất, gắn với núi rừng.
Nếu bạn đi tham quan, chụp ảnh ngắm cảnh từ dưới lên trên, rồi từ trên xuống dưới thời gian cũng phải hơn 2 giờ đồng hồ; nơi “đất vua – chùa làng – phong cảnh bụt” nên người dân địa phương thường lui tới nghỉ trưa hè; học sinh, sinh viên ôn bài mỗi mùa thi; nơi chụp ảnh kỷ niệm của các cặp uyên ương trước ngày lễ cưới; nơi hẹn, chốn chờ của các bạn trẻ khi đi xa quê trở về…
Đặc biệt hơn, khi tới chùa, các bạn được biết thêm nơi giải thoát cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (ngày 29/10/1961) ngay sát mộ bà Dũ Ký (nghĩa trang người Hoa). Theo chúng tôi, cơ quan quản lý di tích cần có bảng chỉ dẫn, mở lối từ sân chùa vào khu vực bia tưởng niệm để du khách thuận tiện việc thăm quang cảnh địa điểm này.
Chùa Bảo Lâm có không gian tĩnh lặng dưới chân núi Chóp Chài, là lâm viên xinh đẹp, điểm đến của người dân Phú Yên, nơi dừng chân của khách du lịch phương xa khi đến với TP Tuy Hòa. Họ tới đây tìm chốn yên bình, thư giãn, thăm viếng, lễ chùa; cầu an, cầu phước, cầu cho quê hương thanh bình và phát triển.
KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG
Nguồn: baophuyen.vn
Thảo luận về bài viết này