Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An với diện tích mặt nước 1.300ha. Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống Đầm Ô Loan giống như một con thiên nga đang sải cánh bay trên bầu trời quang đãng, mà một cách ở Tân Quy, Tân An (xã An Hòa), một cánh ở Hà Yến (xã An Thạch), Phú Sơn (xã An Ninh Đông), còn đuôi ở Phú Tân (xã An Cư).
Những cửa sông chảy ra biển giống y hệt như những chiếc lông ngắn xòe ra, cổ vươn cao từ Tân Quy (xã An Hải) đến Phú Lương (xã An Ninh Đông), miệng mổ vào chân núi. Đầm Ô Loan được bao bọc bởi các làng mạc trù phú và những dãy núi thấp thoai thoải xa xa tạo nên một khung cảnh non nước hữu tình. Chính vì thế mà các thi sỹ đã không ngớt lời ca ngợi về vẻ đẹp, con người và những đặc sản nơi đây.
Biển vào Ô Loan nằm ngủ thiếp
Sò huyết sinh trong đáy giếng mờ xanh.
Hay:
Ô Loan nước lặng như tờ
Thương người chí sĩ dựng cờ Cần Vương
Trải bao gối đất nằm sương
Một lòng vì nước, nêu gương anh hùng.
Đầm Ô Loan là nơi có nguồn lợi thủy hải sản đa dạng, phong phú như tôm cua, cá, ghẹ, sứa, hàu… đặc biệt làm nên thương hiệu Đầm Ô Loan là sò huyết. Sò huyết ở đây có hương vị đậm đà, ngon ngọt hơn sò huyết các nơi khác, được du khách trong và ngoài nước đánh giá rất cao và cũng đã từng xuất khẩu qua các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapo… vỏ sò huyết còn được các nghệ nhân làng gốm cổ Quảng Đức dùng vào việc chế tác ra những sản phẩm mang đặc trưng riêng của dòng gốm cổ Quảng Đức mà không lẫn lộn với bất kỳ dòng gốm cổ nào khác.
Một loại đặc sản khác của đầm Ô Loan là cua Huỳnh Đế. Cua Huỳnh Đế khác với các loại cua khác ở chỗ mai có màu đỏ hoặc vàng ngay khi còn sống, đằng sau có một chúm lông vàng ngắn. Loại cua này không bò ngang mà bò thẳng, do càng và que đều mọc ở phía trước đầu.
Đi về phía Bắc đầm Ô Loan có khu ẩm thực cầu An Hải với kiểu nhà hàng nổi trên mặt nước, sẵn sàng phục vụ du khách các đặc sản của đầm Ô Loan. Sẽ trọn vẹn hơn nếu đến đầm Ô Loan được theo thuyền câu ngư phủ ra chơi đầm khi màn đêm buông xuống, những sản phẩm đánh bắt được nướng ngay trên thuyền, nhâm nhi với ly rượu Quán Đế và ngắm trời mây non nước hữu tình. Đó là thú chơi tao nhã không dễ tìm kiếm được ở bất cứ nơi đâu.
“Chiều xuống Ô Loan, ai ngân một tiếng đàn, làm ngẩn ngơ mặt nước…” câu ca trữ tình của nhạc sỹ Vĩnh An cũng chính là câu thương, câu đợi, câu chờ, là lời mời gọi du khách gần xa hãy một lần ghé thăm thắng cảnh Ô Loan.
Hằng năm vào ngày mùng bảy tháng Giêng (âm lịch) tại đầm Ô Loan có diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham dự.
Đầm Ô Loan đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là thắng cảnh cấp quốc gia vào ngày 27/9/1996.
Thảo luận về bài viết này