Phú Yên là tỉnh thuộc Duyên Hải Nam Trung Bộ, nằm giữa hai dãy đèo lớn của đất nước là đèo Cù Mông phía Bắc và đèo Cả ở phía Nam. Hệ thống giao thông Phú Yên khá thuận lợi, có Quốc lộ 1 và đường sắt Thống Nhất đi qua; Quốc lộ 25 nối với đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, Quốc lộ 29 nối cảng biển quốc tế Vũng Rô với cửa khẩu Đắc – Ruê (Đắk Lắk); Sân bay Tuy Hòa có khả năng tiếp nhận loại máy bay lớn như: A321, Boeing 747.… hiện nay đang khai thác tuyến bay Tuy Hòa – TP. Hồ Chí Minh và Tuy Hòa – Hà Nội.
Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 5.060 km2, trong đó, đồi núi chiếm 70% diện tích, địa hình dốc từ Tây sang Đông và bị chia cắt mạnh, phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, phía Đông giáp biển Đông. Phú Yên có vị trí địa lý và giao thông tương đối thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội.
Tỉnh Phú Yên có 9 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm:
- Thành phố Tuy Hòa
- Thị xã Sông Cầu
- Thị xã Đông Hòa
- Huyện Đồng Xuân
- Huyện Sông Hinh
- Huyện Sơn Hòa
- Huyện Phú Hòa
- Huyện Tây Hòa
- Huyện Tuy An
Với 110 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 21 phường, 6 thị trấn và 83 xã.
Dân số Phú Yên là 961.152 người (2019) trong đó thành thị 28,7%, nông thôn 71,3%, lực lượng lao động chiếm 71,5% dân số. Phú Yên có gần 30 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Phú Yên với bờ biển dài 189 km, nhiều nơi khúc khuỷu, quanh co, núi biển liền kề tạo nên nhiều vịnh, đầm, mũi, gành… mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ kỳ thú như: Đầm Cù Mông với diện tích 2.655 ha; đầm Ô Loan, thắng cảnh quốc gia, diện tích khoảng 1.570 ha, với đặc sản nổi tiếng như: Sò huyết, cua huỳnh đế, hàu, rau cau… vịnh Vũng Rô với diện tích 1.640 ha, gắn liền với di tích lịch sử quốc gia Vũng Rô cùng huyền thoại về những con Tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển. Vịnh Xuân Đài là một vịnh đẹp gắn liền nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến vùng đất Phú Yên cũng như của cả nước. Vịnh có diện tích mặt nước khoảng 13.000 ha, chiều dài bờ vịnh khoảng 50 km với hệ sinh thái biển, rừng đa dạng, phong phú. Vũng Lắm trong vịnh Xuân Đài là thương cảng của Phú Yên trong quá khứ, nơi diễn ra sự kiện ngoại giao đầu tiên Việt Nam – Hoa Kỳ vào năm 1832. Đặc biệt là danh thắng gành Đá Đĩa nổi tiếng bởi hiện tượng địa chất hết sức độc đáo, kỳ lạ có một không hai ở Việt Nam; Bãi Môn – Mũi Điện (mũi Đại Lãnh) điểm cực Đông trên đất liền, nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Phú Yên nhiều bãi tắm xinh đẹp làm say đắm lòng người có thể phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng và thể thao trên biển, trên cát. Các bãi tắm có sự kết hợp giữa núi non, biển và cát trắng mịn, thoai thoải, nước biển luôn trong xanh và lặng sóng soi bóng những rặng phi lao, rừng dừa thẳng tắp. Một số bãi tắm tiêu biểu như: bãi Bàng, bãi Bàu, bãi Rạng, Xuân Hải, bãi Nồm, bãi Tràm, bãi Từ Nham, bãi Ôm, bãi Bình Sa, An Hải, Phú Thường, bãi Súng, bãi Xép, Long Thủy, Tuy Hòa. Phú Yên còn có nhiều gành đá và đảo nhỏ ven bờ như: Hòn Lao Mái Nhà, hòn Yến, hòn Chùa, hòn Nưa… Kết quả thăm dò, khảo sát cho thấy, Phú Yên có diện tích rạn san hô ngầm trên 400 ha, đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển loại hình du lịch sinh thái biển trong tương lai. Ngoài ra, các nguồn nước khoáng nóng: Phú Sen, Lạc Sanh, Trà Ô, Triêm Đức với nhiệt độ từ 50 đến 700C rất thích hợp cho phát triển loại hình du lịch chữa bệnh, phục hồi sức khỏe và nghỉ dưỡng.
Bên cạnh những tài nguyên du lịch tự nhiên, Phú Yên còn là một vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa. Một số di tích, địa danh đã gắn liền với tên tuổi của các danh nhân lịch sử: Đá Bia gắn với truyền thuyết về hành trình mở cõi về phương Nam của vua Lê Thánh Tông; Đền thờ Lương Văn Chánh, vị khai quốc công thần của Phú Yên; Đền thờ nhà chí sỹ yêu nước Lê Thành Phương; Thành An Thổ, nơi sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng Sản Việt Nam; Núi Chóp Chài, nơi quân và dân Phú Yên giải thoát Luật sư – Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Nét đặc sắc của văn hóa Phú Yên là sự đan xen, giao thoa và hòa hợp của nền văn hóa Việt – Chăm với Tháp Nhạn, Thành Hồ cổ kính. Đặc biệt là di sản Văn hóa Đá với các di tích danh thắng Quốc gia Núi Đá Bia, gành Đá Đĩa, tiêu biểu là bộ Kèn đá và Đàn đá Phú Yên có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm. Nhiều lễ hội gắn với cư dân vùng biển, đặc trưng Lễ hội Cầu ngư, các làn điệu dân ca, các điệu dân vũ rất đặc sắc như: Hô bài chòi, Hò khoan, Hò bá trạo, Hò kéo lưới…; những làng nghề truyền thống như: Nghề chế biến nước mắm, bánh tráng, sản phẩm mỹ nghệ ốc, gỗ, đá, vỏ gáo dừa… Ẩm thực Phú Yên với những đặc sản nổi tiếng như: Ốc nhảy Sông Cầu, ghẹ Đầm Cù Mông, sò huyết, hàu đầm Ô Loan, gỏi sứa, cá ngừ đại dương, các loại nước mắm… sẵn sàng phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xây dựng tỉnh Phú Yên thành một cửa ngõ mới ra hướng Đông cho vùng Tây Nguyên; phấn đấu trở thành một trung tâm du lịch, dịch vụ lớn trong khu vực và cả nước. Ngành du lịch Phú Yên sẽ được phát triển mạnh để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, công nghiệp “sạch” mang màu sắc độc đáo riêng. Phát triển du lịch miền núi gắn liền với văn hóa các dân tộc, cảnh quan thiên nhiên, kết hợp hình thành các tuyến nối liền giữa miền biển và các tỉnh Tây Nguyên.
Với tiềm năng du lịch phong phú và con người giàu lòng nhân hậu, mến khách, Phú Yên đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách trong và ngoài nước.
Thảo luận về bài viết này